Nghề cấp dưỡng mầm non: Việc nhiều, lương thấp

Công việc vất vả, đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo, nhưng thu nhập thấp đang là nỗi trăn trở của những người làm nhân viên cấp dưỡng mầm non hay còn gọi là cô nuôi.

Bà Luận (bên trái) ở Trường Mầm non xã Văn Tố (Tứ Kỳ) đã có 13 năm làm cấp dưỡng, lo bữa ăn cho 140 trẻ
Bận rộn

Bà Nguyễn Thị Luận (50 tuổi) ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) đã có 13 năm gắn bó với nghề cấp dưỡng tại Trường Mầm non xã. Hằng ngày, bà Luận phải có mặt ở điểm trường thôn La Giang vào 7 giờ sáng để chuẩn bị xoong nồi, bếp núc. Sau đó, bà đi xe đạp đến một điểm trường khác để nhận thực phẩm mang về sơ chế, nấu nướng. Trước 10 giờ, bà Luận phải mang cơm, thức ăn đến điểm trường thôn Đồng Kênh cách đó chừng 2 km. Trong thời gian ngắn, bà phải tất tả quay lại điểm trường cũ để phụ giúp cô giáo cho trẻ ăn. Dọn dẹp xong, bà Luận mới được ăn trưa rồi tiếp tục với công việc buổi chiều. Tuy buổi chiều chỉ có bữa phụ với các món ăn như bún, cháo… nhưng bà Luận cũng phải chuẩn bị chu đáo. Lúc bà được ngơi tay đã khoảng 4 giờ chiều.

Làm việc vất vả nhưng mỗi tháng lương của bà Luận chỉ được hơn 2 triệu đồng. “Đồng lương quá ít ỏi không đủ để tôi trang trải cuộc sống gia đình. Một mình chạy ngược xuôi để lo bữa ăn cho 140 cháu nhỏ, nhiều khi tôi cũng mệt. Dịp hè, số lượng trẻ ăn bán trú ít đi, lương chỉ còn hơn 1 triệu đồng”, bà Luận nói.

Trường Mầm non xã Văn Tố hiện có 7điểm trường nhưng chỉ có 4 bếp ăn bán trú và 4 nhân viên cấp dưỡng. Năm học 2018 – 2019, trường có hơn 500 trẻ ở các nhóm lớp, tỷ lệ ăn bán trú chiếm 70%. Ngoài đảm nhận công việc nấu nướng, các cô nuôi còn phải mang đồ ăn đến các điểm trường chưa có bếp ăn. Nhiều giáo viên trong trường phải xuống bếp để phụ giúp nhặt rau, nấu nướng. Bà Cao Thị Thùy Chi, Chủ tịch Công đoàn trường cho biết: “Số tiền để chi trả nhân viên cấp dưỡng do phụ huynh học sinh đóng góp, ngân sách không có khoản nào quy định cho vị trí này, dù biết các cô nuôi thiệt thòi nhưng không thể làm khác. Nhà trường đã hỗ trợ các nhân viên cấp dưỡng tiền đóng bảo hiểm y tế”.

Số lượng cô nuôi quá ít so với số trẻ ăn bán trú cũng là thực trạng tại Trường Mầm non thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng). Năm học 2018 – 2019, trường có gần 700trẻ ăn bán trú nhưng chỉ có 7 nhân viên cấp dưỡng. Trong đó 6 người trực tiếp nấu nướng và 1 người mang đồ ăn tới các điểm trường.

Tốt nghiệp một lớp trung cấp về nấu ăn, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (34 tuổi) ở thị trấn Lai Cách xin vào làm tại trường mầm non địa phương được 4 năm nay. Chị Bích cho biết: “Trong năm học, trung bình một ngày mỗi nhân viên cấp dưỡng phải nhận nấu ăn cho gần 100 trẻ. Chúng tôi không chỉ áp lực về thời gian mà mọi công đoạn đều phải làm cẩn thận, đúng quy trình để bảo đảm bữa ăn đủ chất và an toàn. Thậm chí, từ màu sắc đến cách trang trí đồ ăn cũng được lưu ý để trẻ ăn ngon miệng hơn”. Chị Bích cũng thường xuyên trau dồi các kiến thức về nấu ăn cũng như chế biến các loại thực phẩm khoa học, hợp lý. “Muốn gắn bó với nghề nhưng tôi cũng như những nhân viên cấp dưỡng khác trong trường đều thấp thỏm vì hiện không quy định biên chế cho công việc này”, chị Bích nói.

Không được sắp xếp vị trí việc làm

Giáo dục và nuôi dưỡng trẻ ở bậc mầm non rất quan trọng nhưng các nhân viên cấp dưỡng ở các trường hiện chưa được quan tâm đúng mức và chưa bảo đảm chế độ lao động. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Lai Cách cho biết: “Muốn có một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ thì cần chú trọng đến khâu chế biến. Với mức lương thấp rất khó để thu hút, tuyển dụng các nhân viên cấp dưỡng, nhất là người có trình độ và muốn gắn bó lâu dài với nghề này”.

Theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có tổ chức bán trú được hợp đồng lao động thực hiện nhiệm vụ nấu ăn. Cứ 35 trẻ nhà trẻ và 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 1 lao động hợp đồng nấu ăn. Nhưng quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non lại không có vị trí việc làm với cô nuôi. Vì vậy, các trường mầm non đều phải tự tuyển dụng các cô nuôi.

Theo bà Vũ Thị Năm, Phó Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo), tất cả các trường mầm non công lập trong tỉnh không đủ số lượng nhân viên cấp dưỡng theo quy định (50 trẻ/nhân viên cấp dưỡng) trong khi tỷ lệ ăn bán trú lại khá cao. Nguyên nhân chủ yếu do lương chi trả cho các cô nuôi phải từ phụ huynh đóng góp, ngoài ra không có phụ cấp nào khác. Số tiền từ phụ huynh đóng góp còn hạn chế nên các trường chỉ có thể tuyển ít cô nuôi. Hầu hết trường mầm non đều hợp đồng với nhân viên cấp dưỡng theo năm học nên công việc của họ thường bấp bênh, không ổn định, khó trụ lại với nghề. Các cô nuôi đa số là người trung tuổi. “Sở đã chỉ đạo các trường cân đối thu chi để trả lương phù hợp cho các nhân viên cấp dưỡng. Thời gian tới, hy vọng sẽ có nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để nhân viên cấp dưỡng mầm non yên tâm làm việc”, bà Năm nói.

THẢO NGUYỄN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *